Tắc lệ đạo bẩm sinh có phải phẫu thuật không?

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Lê Đức Thiện

vào ngày 30/07/2024

Những đối tượng nào tắc lệ đạo bẩm sinh sẽ phù hợp với phẫu thuật? Có những cách điều trị tắc lệ đạo bẩm sinh nào ngoài phương pháp phẫu thuật? Cùng vivision kid tìm hiểu ngay sau đây.

Tắc lệ đạo là gì?

Tắc lệ đạo là một bệnh lý thường gặp ở mắt, xảy ra khi hệ thống dẫn lưu nước mắt không được thông thoáng, khiến cho nước mắt không chảy được xuống mũi miệng Hiện tượng này gây triệu chứng chảy nước mắt sống.

Tắc lệ đạo bẩm sinh

Nguyên nhân dẫn đến tắc lệ đạo bẩm sinh

Một số nguyên nhân phổ biến gây tắc lệ đạo bẩm sinh bao gồm:

  • Không có hoặc hẹp điểm lệ: Điểm lệ nằm ở góc trong của mắt là điểm khởi đầu của hệ thống dẫn lưu nước mắt. Khi điểm này không có hoặc bị hẹp, sẽ gây tắc nghẽn.
  • Rò ống lệ mũi bẩm sinh: Dị tật này từ lúc sinh ra có thể gây tắc nghẽn trong hệ thống dẫn lưu nước mắt.
  • Quá trình hình thành lệ đạo chưa hoàn chỉnh: Trong quá trình phát triển bào thai, hệ thống dẫn lưu nước mắt có thể không phát triển đầy đủ, làm cho đầu dưới của ống lệ mũi bị bịt kín bởi một van.
  • Polyp mũi: Polyp mũi có thể gây tắc nghẽn đường thoát nước mắt của ống lệ mũi, dẫn đến tắc lệ đạo.

Dấu hiệu của tắc lệ đạo bẩm sinh

Biểu hiện tắc lệ đạo bẩm sinh gồm:

  • Chảy nước mắt sống và có ghèn mắt: Trẻ không khóc nhưng thường thấy chảy nước mắt. 
  • Mắt luôn ướt: Mắt trẻ lúc nào cũng ướt như vừa khóc do nước mắt đọng ở khe mi, tạo thành ngấn đầy nước mắt và thậm chí nước mắt có thể rơi thành giọt.
  • Dụi mắt và đỏ da bờ mi: Trẻ hay dụi mắt và có hiện tượng đỏ da ở bờ mi.

Biến chứng tắc lệ đạo 

Tắc lệ đạo không phải là bệnh hiếm gặp và không quá phức tạp, nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Viêm túi lệ mạn tính: Từ đó dễ gây viêm kết mạc và viêm giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực.
  • Áp xe túi lệ: Tình trạng này có thể phát triển khi túi lệ bị nhiễm trùng và chứa đầy mủ, dẫn đến sưng to và đau nhức cho người bệnh.
  • Viêm tổ chức hốc mắt: Khi áp xe túi lệ bị vỡ, nó có thể gây ra viêm nhiễm lan rộng đến các cấu trúc lân cận như xoang và mô mềm quanh hốc mắt..
  • Rò túi lệ: Khi áp xe túi lệ vỡ ra ngoài da, nó có thể hình thành một đường rò, gây ra sự khó chịu cho người bệnh và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như thẩm mỹ.

Tắc lệ đạo bẩm sinh có cần phẫu thuật không?

Trong phần lớn trường hợp, tắc lệ đạo bẩm sinh ở trẻ bố mẹ có thể tự điều trị cho con thành công bằng các phương pháp nhẹ như massage vùng túi lệ và vệ sinh mi mắt. Nếu massage không hiệu quả thì sẽ cần sự can thiệp thủ thuật bơm thông lệ đạo, cụ thể là:

  • Sử dụng xi-lanh để bơm nước vào lệ đạo qua điểm lệ.
  • Thủ thuật này chủ yếu áp dụng cho trẻ nhỏ bị tắc lệ đạo do van ở đầu dưới của ống lệ mũi chưa mở. Bơm thông lệ đạo thường là phương pháp đầu tiên được sử dụng và hiệu quả đối với các trường hợp tắc lệ đạo nhẹ và không phức tạp.
Trẻ bị tắc lệ đạo bẩm sinh 

Trẻ bị tắc lệ đạo bẩm sinh

Nếu tắc lệ đạo khiến cho trẻ có những triệu chứng nặng như chảy nước mắt liên tục, viêm kết mạc tái phát, hoặc nhiễm trùng thường xuyên, phẫu thuật có thể được chỉ định. Phẫu thuật trong trường hợp này là mở thông túi lệ nội soi:

  • Phương pháp: Mở thông túi lệ nội soi là phẫu thuật để tạo một đường thông từ túi lệ tới hốc mũi bằng cách loại bỏ vùng xương xung quanh.
  • Chỉ định: Áp dụng cho những trường hợp tắc lệ đạo mạn tính hoặc nặng, khi bơm thông lệ đạo không hiệu quả. Thích hợp với trẻ lớn và với trẻ tắc lệ đạo tái phát nhiều lần sau khi bơm thông lệ đạo.

Các phương pháp chữa tắc tuyến lệ không cần phẫu thuật

Có thể tự điều trị cho con tắc lệ đạo bẩm sinh thành công bằng các phương pháp nhẹ như:

Massage (day) vùng túi lệ

Dùng ngón tay sạch nhẹ nhàng xoa bóp vùng túi lệ ở góc trong của mắt. Thực hiện động tác mỗi ngày từ 10-20 lần, vuốt góc trong của mắt từ trên xuống dọc theo sống mũi.

  • Tác dụng: Giúp kích thích dòng chảy của nước mắt và làm mềm màng tắc, giúp nước mắt thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
  • Chỉ định: Phương pháp này phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ dưới 3 tháng tuổi do tỷ lệ tự khỏi cao.

Vệ sinh mi mắt bằng nước muối sinh lý

Dùng bông gạc hoặc bông tăm sạch để thấm nước muối và lau nhẹ nhàng vùng mi mắt.

  • Tác dụng: Giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và làm sạch dịch tiết mủ.
  • Chỉ định: Thực hiện một cách đều đặn để giữ vệ sinh mắt, giảm khả năng nhiễm trùng.

Dùng nhiệt: Chườm ấm lên mắt có thể giúp làm mềm và làm tan dịch tắc trong tuyến lệ. Chườm ấm thường được thực hiện vài lần mỗi ngày trong khoảng 5-10 phút mỗi lần.

Dùng kháng sinh (nếu có nhiễm trùng): Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng và giảm viêm nếu tuyến lệ bị tắc do nhiễm trùng, 

Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, bố mẹ nên đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn và có thể cần các biện pháp can thiệp chuyên sâu hơn.

Lưu ý:

  • Quyết định áp dụng phương pháp phẫu thuật tắc lệ đạo bẩm sinh nào cần dựa vào đánh giá kỹ lưỡng của bác sĩ chuyên khoa mắt sau khi kiểm tra tình trạng cụ thể của trẻ.
  • Sau phẫu thuật, cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sự hồi phục tối đa và ngăn ngừa các biến chứng.

Đặt lịch khám tại vivision kid để nhận thông tin chi tiết về tình trạng bệnh và chi phí phẫu thuật tắc lệ đạo cho bé nhé.

Lời khuyên

Tắc lệ đạo bẩm sinh là một bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh biến chứng. Cha mẹ hãy chú ý quan sát trẻ và đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu nghi ngờ trẻ bị tắc lệ đạo bẩm sinh.

vivisionkid
Thạc sĩ Lê Đức Thiện
Bác sĩ Lê Đức Thiện
Thạc sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.

Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

cách điều trị tắc lệ đạo bẩm sinh

Tắc lệ đạo bẩm sinh