Tròng mắt bị vàng? Nguyên nhân do đâu
Tròng mắt bị vàng là một triệu chứng đặc biệt đáng chú ý, khiến nhiều người lo ngại về sức khỏe toàn cơ thể, đặc biệt các bệnh lý tại gan. Cùng tìm hiểu thông tin xoay quanh vấn đề tròng mắt bị vàng và các cách điều trị.
Tròng mắt bị vàng là một triệu chứng của hội chứng hoàng đản. Hoàng đản có thể là hiện tượng sinh lý ở trẻ sơ sinh, nhưng cũng có thể là vấn đề bệnh lý xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em, sơ sinh và người lớn.
Tại sao tròng mắt lại có màu vàng?
Bình thường tròng mắt bị vàng không biểu hiện đơn độc mà kèm theo một số triệu chứng khác như:
- Vàng da: vàng da nhiều mức độ, vàng sáng hoặc sậm, vàng da khu trú ở mặt hoặc lan ra nhiều vùng cơ thể;
- Tròng mắt vàng nhưng không hề ảnh hưởng đến thị lực, bệnh nhân không sợ ánh sáng hay nhìn mờ, mọi cử động mắt đều bình thường.
Tròng mắt bị vàng khi cơ thể dư thừa hàm lượng Bilirubin. Sau khi tế bào hồng cầu bị phá hủy, sẽ phân huỷ tạo thành Bilirubin tự do, một chất có màu vàng. Bilirubin là thành phần có trong máu, nếu không vượt quá ngưỡng bình thường thì sẽ không gây nên triệu chứng bất thường. Bilirubin tự do được chuyển thành Bilirubin liên hợp tại gan, là thành phần có trong dịch mật – một loại dịch tiêu hóa quan trọng. Nếu nồng độ bilirubin trong máu tăng lên quá nhiều, vượt ngưỡng hoặc vì một lí do nào đó khiến đáp ứng chuyển hóa của gan không đủ thì Bilirubin sẽ tích lũy lại và gây ra hội chứng hoàng đản, khiến tròng mắt chuyển sang màu vàng.
Một số nguyên nhân khiến cho lượng Bilirubin tăng quá cao trong máu như:
- Nguyên nhân trước gan: Tan máu do sốt rét, thalassemia, tan máu hồng cầu hình liềm…
- Nguyên nhân tại gan: Các bệnh lý ảnh hưởng chức năng gan như viêm gan, xơ gan, dùng thuốc…;
- Nguyên nhân sau gan: Các bệnh lý gây tắc nghẽn đường thoát dịch mật như tắc ống mật, ung thư tuyến tụy..
Một số người vẫn nhầm tưởng tròng mắt bị vàng là do ăn quá nhiều thực phẩm có beta-carotene như các loại rau củ có màu vàng đỏ như bí đỏ, cà rốt. Trên thực tế, điều này có thể gây nên vàng da nhưng không gây vàng mắt. Cách giải quyết tình trạng này chỉ cần giảm lượng thức ăn nhiều vitamin A là sẽ hết.
Nếu đã có biểu hiện tròng mắt bị vàng là có căn nguyên bệnh lý, cần đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh lý nào tại tròng mắt có thể nhầm với vàng mắt?
Triệu chứng tròng mắt bị vàng cần phân biệt với bệnh lý mộng mỡ mắt (Pinguecula). Mộng mỡ mắt là một khối u ở vùng tròng trắng mắt hơi vàng, hơi dày lên ở phần gần với rìa của kết giác mạc trong vùng khe mi. Đôi khi, khối này có 1-2 tia máu chạy đến hoặc hơi sưng đỏ.
Mộng mỡ mắt thường lành tính, không ảnh hưởng tới chức năng mắt và cũng không tăng kích thước nên không cần điều trị. Bình thường, mộng mỡ mắt thường xuất hiện trên bề mặt của củng mạc gần mũi hơn, nhưng đôi khi cũng có thể xuất hiện trên kết mạc góc ngoài (gần tai).
Theo các bác sĩ mắt, nếu bị đỏ, chảy nước mắt và cảm giác cộm mắt, ở một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện viêm kết mạc kéo dài, gây ảnh hưởng đến thị lực, cũng là triệu chứng của bệnh mộng mắt. Bệnh lý mộng mỡ mắt thường gặp ở những người hay phải làm việc ngoài trời, môi trường hay tiếp xúc với gió, bụi, ánh nắng mặt trời, tia cực tím, những người làm việc ở vùng biển, ngoài khơi.
Mộng mỡ mắt có thể làm cho mắt của bạn cảm thấy giống như bị kích thích hoặc khô mắt và khiến người bệnh thấy như có sạn, cát hay hạt gây khô ráp trong mắt. Mắt người bệnh cũng có thể bị ngứa hoặc trở nên bị viêm đỏ. Những triệu chứng gây ra bởi mộng mỡ mắt có thể nhẹ hoặc nặng.
Điều trị tròng mắt bị vàng như thế nào?
Điều trị tròng mắt bị vàng cần tập trung vào điều trị bệnh lý nền. Mặc dù vàng mắt có thể là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của một số bệnh lý cơ thể nhưng cần thêm các triệu chứng khác kèm theo và các cận lâm sàng để bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị chính xác.
Các triệu chứng kèm theo triệu chứng tròng mắt bị vàng có thể bao gồm ngứa, đầy bụng, khó tiêu, mệt mỏi, sốt, phân nhạt màu, nước tiểu sẫm màu, ăn không ngon miệng, hay buồn nôn và bị sụt cân đột ngột.
Bác sĩ chẩn đoán và quyết định phương pháp điều trị tròng mắt bị vàng thông qua một số xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm đo lượng bilirubin trong máu, tổng phân tích tế bào máu và các xét nghiệm về chức năng gan khác.
Kết quả xét nghiệm, kết hợp với các triệu chứng, bệnh sử, khám thực thể và kết quả chẩn đoán hình ảnh, sẽ giúp bác sĩ khẳng định chẩn đoán chính xác.
Nếu bác sĩ phát hiện nguyên nhân gây ra tròng mắt bị vàng là một bệnh lý nhiễm trùng như viêm gan hoặc sốt rét, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm hoặc kháng vi-rút. Nếu nguyên nhân được chẩn đoán là do dùng rượu hoặc ma túy, cần cai những chất này để tránh ảnh hưởng nặng hơn đến gan. Sau khi điều trị khỏi bệnh lý tại gan, triệu chứng vàng da và vàng mắt sẽ giảm.
Các trường hợp nguyên nhân do các bệnh lý về máu, cần điều trị giảm thiểu hoặc triệt để các bệnh lý đó thì triệu chứng tròng mắt bị vàng mới có thể giảm hoặc mất. Trong một số trường hợp tắc mật như sỏi ống mật, có thể cần phẫu thuật để giải phóng đường ra của dịch mật, khi đó Bilirubin trong máu mới không tăng quá cao và không gây ra hội chứng hoàng đản nữa.
Cần chú ý phòng ngừa một số yếu tố nguy cơ có thể gây hại đến gan:
- Hạn chế giảm lượng rượu bia uống hàng ngày;
- Duy trì một cân nặng hợp lý, tập thể dục và chế độ ăn tốt tránh tăng mỡ máu;
- Tiêm vacxin phòng ngừa viêm gan, không dùng chung đồ cá nhân, không tiếp xúc với vết thương hở, máu và quan hệ tình dục không dùng bao cao su với người bệnh viêm gan;
- Uống nhiều nước;
- Không lạm dụng thuốc, đặc biệt là Paracetamol vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến gan, có thể gây ngộ độc gan;
- Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất hợp lí, đủ, không dư thừa.
Lời khuyên
Tròng mắt bị vàng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bệnh đúng.
Gắn thẻ: