Liệu con bạn có bị cận thị? Nguy cơ và phòng tránh

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Lê Đức Thiện

vào ngày 30/07/2024

Cận thị đang trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến ở trẻ em. Hiểu rõ về bệnh tất khúc xạ này bao gồm các yếu tố nguy cơ, và các biện pháp phòng ngừa có thể giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt của trẻ.

Những yếu tố có thể ảnh hưởng khởi phát cận thị của trẻ

Cận thị ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng, và có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự khởi phát của tình trạng này. Dưới đây là tóm tắt các yếu tố chính:

Di truyền

Di truyền là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến nguy cơ mắc cận thị ở trẻ. 

  • Một trong hai bố mẹ bị cận, nguy cơ mắc tật khúc xạ này của trẻ có thể tăng lên gấp ba lần so với những trẻ có bố mẹ không bị cận thị. 
  • Cả hai bố mẹ đều bị cận thị, nguy cơ này có thể tăng lên gấp sáu lần so với trẻ bình thường

Nghiên cứu về di truyền học chỉ ra rằng tật khúc xạ cận thị có tính đa gen, và có đến 161 locus chứa gen ảnh hưởng tật khúc xạ này; đồng thời sự biến đổi kiểu hình gen do môi trường (tính dễ thay đổi của gen do môi trường tác động) cũng được cho là một trong các yếu tố liên quan giữa di truyền và cận thị. 

Một số hội chứng có liên quan đến cận thị cao như Marfan; Knobloch;…có liên quan tới biến đổi gen gây đột biến mô liên kết.

Ngoài ra, người Châu Á có nguy cơ mắc cận cao hơn so với các nhóm dân tộc khác. Điều này có thể liên quan đến cả yếu tố di truyền và môi trường sống. 

Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ cận cao ở các quốc gia Châu Á có thể là kết quả của cả yếu tố di truyền và thói quen sinh hoạt, bao gồm việc học tập và sử dụng thiết bị điện tử quá mức.

Các yếu tố nguy cơ gây cận thị

Các yếu tố nguy cơ gây cận thị

Môi trường

Môi trường mà trẻ em sinh sống và học tập có thể ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ cận thị. Các yếu tố môi trường có thể bao gồm:

Giáo dục

Theo nghiên cứu tổng hợp của Albert và cộng sự về “Các yếu tố nguy cơ cận thị” trình độ học vấn có tương quan với tỷ lệ mắc cận: trình độ học vấn cao hơn thường có tỷ lệ cận cao hơn ở cả cộng đồng châu Âu và châu Á; đồng thời ở những vùng trình độ học vấn thấp có tỉ lệ cận thấp hơn đáng kể (chênh lệch khoảng 10%) 

Cường độ học tập đều cần được tính đến là một trong các yếu tố gây tăng tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ này. 

  • Kết quả học tập cao hơn và chỉ số thông minh cao hơn cũng được chứng minh là có liên quan tới tỷ lệ mắc cận thị ở trẻ em từ 7 tới 13 tuổi. 
  • Áp lực học tập tăng, kèm theo việc tham gia các giờ học thêm buổi tối cũng làm tăng nguy cơ bị cận ở nhóm trẻ từ 7-15 tuổi và cả nhóm thanh niên 18-23 tuổi. 
  • Những thay đổi trong hệ thống giáo dục, thời lượng học và cường độ học, đã được chứng minh là có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ mắc tật khúc xạ này.

Thời gian và khoảng cách nhìn gần

Thời gian và khoảng cách nhìn gần cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nguy cơ cận thị. Theo nghiên cứu của Huang và cộng sự chỉ ra rằng khoảng cách nhìn gần và thời gian nhìn gần đều có ảnh hưởng tới mức độ tăng độ cận ở trẻ. 

  • Những trẻ có khoảng cách nhìn gần dưới 30cm sẽ có nguy cơ bị cận cao hơn 
  • Tương tự với trẻ có thời gian nhìn gần liên tục trên 30 phút.
  • Trẻ có thời gian hoạt động ngoài trời thấp (dưới 90 phút/ngày) cũng có khả năng khởi phát cận thị cao hơn. Tuy nhiên để tối ưu thời gian hoạt động ngoài trời của trẻ có thể hạn chế khởi phát cận thị tốt nhất. 
  • Do đó, địa điểm và chất lượng ánh sáng cũng cần được xem xét, hai yếu tố này chúng ta sẽ đi sâu hơn ở phần tiếp theo của bài.

Từ đó có thể thấy khoảng cách làm việc lớn hơn 30cm, thời gian làm việc nên được chia nhỏ tối đa 30 phút/lần và dành nhiều thời gian ngoài trời hơn có ý nghĩa và đem lại hiệu quả trong việc hạn chế khởi phát cận thị.

Ánh sáng và nguy cơ mắc cận

Ánh sáng có thể ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ mắc cận. Các nghiên cứu hiện nay đã chỉ ra rằng ánh sáng môi trường có nhiều yếu tố tác động tới sức khỏe mắt như cường độ sáng, hàm lượng quang phổ,… của ánh sáng ngoài trời giúp trì hoãn khởi phát tật khúc xạ này.

Tiếp xúc trong thời gian ngắn với ánh sáng cường độ trung bình (500 lux) đến cao (1000 lux) đã được chứng minh là làm chậm đáng kể quá trình kéo dài trục nhãn cầu. 

Bằng chứng từ một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng đỏ mức thấp nhiều lần đã kiểm soát đáng kể sự tiến triển của cận thị ở trẻ em được điều trị so với nhóm đối chứng.

Chúng ta có thể thay đổi gì để hạn chế cận thị cho trẻ

Bệnh khúc xạ cận thị ở trẻ em có thể được kiểm soát và giảm thiểu tiến triển bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Những yếu tố không thể thay đổi

Di truyền và môi trường học tập là những yếu tố liên quan tới khởi phát và mức độ tăng độ cận không thể hoặc khó có thể thay đổi. Bởi vậy khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về thị lực, bao gồm cả cận thị và tiền cận thị

Khám mắt định kỳ

Khám mắt định kỳ là một trong những cách quan trọng để theo dõi sức khỏe mắt của trẻ. Việc kiểm tra thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của cận thị và tiền cận thị

Việc phát hiện sớm tiền cận thị, cận thị nguy cơ tiến triển có thể giúp các y bác sĩ, chuyên gia đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời để ngăn ngừa tăng độ cận đồng thời tránh biến chứng nghiêm trọng tại mắt.

Thay đổi các thói quen sinh hoạt là một phần của kiểm soát cận thị

Thay đổi các thói quen sinh hoạt là một phần của kiểm soát cận thị

Những yếu tố có thể thay đổi

Bên cạnh những yếu tố không thể thay đổi thì chúng ta có thể điều chỉnh rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới khởi phát cận thị và tiến triển cận thị ở trẻ, từ đó giúp trẻ kiểm soát cận thị tốt hơn và tránh được các rủi ro do cận thị cao mang lại:

  • Thời gian hoạt động ngoài trời: Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời giúp giảm nguy cơ mắc cận. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên có thể làm giảm nguy cơ mắc tật khúc xạ này. 
  • Hoạt động ngoài trời không chỉ cung cấp ánh sáng tự nhiên mà còn giúp trẻ thư giãn và giảm áp lực học tập.
  • Thói quen nhìn gần: Hướng dẫn trẻ duy trì khoảng cách hợp lý khi đọc sách, xem màn hình và thực hiện các hoạt động nhìn gần. Việc này có thể giúp giảm nguy cơ mắc tật khúc xạ này và ngăn ngừa sự gia tăng độ cận
  • Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi thường xuyên và không dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động nhìn gần liên tục.
  • Tư thế ngồi học: Đảm bảo trẻ ngồi học với tư thế đúng và duy trì khoảng cách hợp lý với sách hoặc màn hình máy tính. Tư thế ngồi đúng không chỉ giúp bảo vệ mắt mà còn hỗ trợ sự phát triển của cơ thể trẻ. 
  • Luôn đảm bảo ánh sáng phòng và ánh sáng bàn học cũng là yếu tố rất quan trọng giúp ích cho việc tránh khởi phát cận thị và tăng độ cận ở trẻ. 

Tóm lại, cận thị ở trẻ em là một vấn đề phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ di truyền đến môi trường sống và thói quen sinh hoạt. 

Việc hiểu rõ những yếu tố này là bước đầu tiên và quan trọng nhất để cha mẹ và người chăm sóc có thể chủ động phòng ngừa và kiểm soát tình trạng cận thị ở trẻ. Đặt lịch ngay tại vivision kid để trẻ được thăm khám định kì, đánh giá chính xác và có lộ trình kiểm soát cận thị phù hợp với tình trạng riêng của trẻ.

Lời khuyên

Cần chú ý đa phương diện trong đánh giá khởi phát cận thị ở trẻ. Khi trẻ có các yếu tố có nguy cơ cao hơn trong tiến triển cận thị như ba mẹ có tật khúc xạ cận thị, môi trường học tập căng thẳng; thời gian nhìn gần nhiều.
Lúc này cần đánh giá sát sao, theo dõi định kì và có lộ trình kiểm soát cận thị phù hợp tránh tăng độ cận nhanh chóng và các biến chứng cận thị khác.

logo vivisionkid
Thạc sĩ Lê Đức Thiện
Bác sĩ Lê Đức Thiện
Thạc sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.

Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

cận thị

Tăng độ cận 1

Tiền cận thị 3