Độ dài trục nhãn cầu có thể dự đoán hiệu quả của Ortho-K?

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Lê Sang Sang

vào ngày 29/04/2024

Độ dài trục nhãn cầu và các phương pháp kiểm soát cận thị đều là các thuật ngữ nhận được sự quan tâm lớn từ trong các nghiên cứu về kiểm soát cận thị hiện nay. Độ dài trục nhãn cầu được đánh giá là một yếu tố quan trọng trong tiến triển cận thị. 

Tăng độ dài trục nhãn cầu nhanh chóng được coi là nguyên nhân của tăng độ cận và không kiểm soát độ dài trục nhãn cầu được coi là nguyên nhân chính dẫn tới các biến chứng cận thị. 

Bên cạnh đó, các yếu tố dự báo khởi phát cận thị cũng được đào sâu chú trọng và có ý nghĩa quan trọng trong thăm khám mắt ở trẻ. 

Vậy liệu độ dài trục nhãn cầu có khả năng dự đoán tiến triển cận thị trên các nhóm trẻ đã và đang điều trị kiểm soát cận thị hay không. Nghiên cứu dưới đây sẽ trả lời cho câu hỏi liệu độ dài trục nhãn cầu có khả năng dự đoán hiệu quả điều trị kiểm soát cận thị với phương pháp Ortho-K hay không? 

Tổng quan nghiên cứu

Weiping Lin và cộng sự nghiên cứu hồi cứu đánh giá ảnh hưởng của các mức chiều dài trục nhãn cầu ban đầu khác nhau lên hiệu quả điều trị của Ortho-K trong 3 năm.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ bệnh án của Trung tâm Khúc xạ Bệnh viện Mắt Đại học Y Thiên Tân với nhóm đối tượng tham gia nghiên cứu từ 8-14 tuổi có tật khúc xạ từ -0.75 đến -6.00D và loạn thị không quá 1.50D. Có 1176 trẻ trong nhóm theo dõi 1 năm (nhóm đầu tiên), trong đó trẻ đeo kính Ortho-K (n = 588) và kính gọng thông thường (n = 588). Tất cả đối tượng nghiên cứu đều được kiểm tra mắt toàn diện bao gồm đo chiều dài trục nhãn cầu (AL) ban đầu.

150 trẻ 8-11 tuổi hoàn thành theo dõi trong 3 năm tạo thành nhóm thứ hai. 

Những trẻ đeo Ortho-K được chia thành ba nhóm nhỏ dựa trên chiều dài trục nhãn cầu ban đầu: 

  • Nhóm 1 (độ dài trục nhãn cầu dưới 24.5mm)
  • Nhóm 2 (độ dài trục nhãn cầu từ 24.5 đến 26mm)
  • Nhóm 3 (độ dài trục nhãn cầu từ 26mm trở lên).

Độ dài trục nhãn cầu được đo trong các lần thăm khám hàng năm và thay đổi chiều dài trục nhãn cầu của các nhóm nhỏ được so sánh.

Trong 1 năm đầu, nhóm đeo Ortho-K cho thấy sự dài ra của trục nhãn cầu chậm hơn 39% (0.19 ± 0.21mm) so với nhóm đeo kính gọng thông thường (0.31 ± 0.19mm). Trẻ nhỏ hơn có sự giãn dài trục nhãn cầu lớn hơn.

Sau khi điều chỉnh theo tuổi, sự giãn dài trục nhãn cầu trong năm đầu tiên có mối liên hệ âm với chiều dài trục nhãn cầu ban đầu chỉ ở nhóm đeo Ortho-K và chỉ ở trẻ từ 8-11 tuổi. Không có mối liên hệ nào ở nhóm đeo kính thông thường

Độ dài trục nhãn cầu có thể dự đoán hiệu quả kiểm soát cận thị của phương pháp kính Ortho-K?

Độ dài trục nhãn cầu có thể dự đoán hiệu quả kiểm soát cận thị của phương pháp kính Ortho-K?

Kết quả nghiên cứu 

Nghiên cứu cho thấy trong nhóm trẻ đeo Ortho-K, trẻ có chiều dài trục nhãn cầu ban đầu ngắn hơn có sự giãn dài trục nhãn cầu nhiều hơn; trong khi trẻ có trục nhãn cầu ban đầu dài hơn có sự giãn dài ít hơn:

Trong 3 nhóm nhỏ trẻ đeo Ortho-K được theo dõi trong 3 năm tiếp theo, nhóm 1 cho thấy sự giãn dài trục nhãn cầu hàng năm cao hơn đáng kể so với nhóm 2 và 3 trong năm thứ nhất và thứ hai, nhưng dường như ổn định trong năm thứ ba.

Ý nghĩa

Nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng khi đem lại kết quả khả thi về việc có thể dự báo hiệu quả kiểm soát cận thị trong phương pháp Ortho-K. Chiều dài trục nhãn cầu ban đầu có thể dự đoán sự tiến triển cận thị ở trẻ 8-11 tuổi đeo Ortho-K. 

Chúng ta có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu để có thể tư vấn và tiên lượng về hiệu quả kiểm soát cận thị và các cách cải tiến lộ trình kiểm soát cận thị chặt chẽ cho từng lứa tuổi và chia lộ trình theo độ dài trục nhãn cầu ban đầu của bệnh nhân. 

Bên cạnh đó nghiên cứu cũng khẳng định kết quả kiểm soát cận thị của kính Ortho-K với kết quả: sự thay đổi chiều dài trục nhãn cầu hàng năm ở những trẻ có chiều dài trục nhãn cầu ban đầu từ 24.5 đến 26mm duy trì ổn định trong 3 năm.

Ứng dụng lâm sàng từ nghiên cứu để có lộ trình kiểm soát cận thị riêng biệt

Ứng dụng lâm sàng từ nghiên cứu để có lộ trình kiểm soát cận thị riêng biệt

Hạn chế của nghiên cứu về Ortho-K

Đây là một nghiên cứu hồi cứu, nghĩa là có thể tồn tại các yếu tố khác chưa được điều tra như kích thước đồng tử so với vùng điều trị của kính Ortho-K và tốc độ tiến triển của cận thị trước đó,…

Đồng thời kích thước mẫu của nghiên cứu còn hạn chế bởi vậy câu hỏi đặt ra liệu kết quả nghiên cứu còn đảm bảo tính chính xác trên quy mô cỡ mẫu rộng hơn hay không? 

Một điểm hạn chế khác của nghiên cứu là nhóm nghiên cứu đã đơn giản hóa đáng kể các yếu tố liên quan tới cận thị tiến triển khi chỉ xem xét duy nhất tới độ dài trục nhãn cầu ban đầu, trong khi hiệu quả của Ortho-K có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Nghiên cứu dài hạn hơn và mẫu lớn hơn có thể khám phá sâu hơn tác động của việc điều chỉnh các thông số kính Ortho-K và mức độ mà các thay đổi quang học này ảnh hưởng đến hiệu quả của Ortho-K

TÓM TẮT NGHIÊN CỨU:

Tiêu đề:  Mối quan hệ giữa chiều dài trục ban đầu và độ giãn dài trục ở trẻ cận thị đang sử dụng phương pháp chỉnh hình giác mạc Ortho-K

Tác giả:  Weiping Lin, Na Li, Kunpeng Lu, Zhaochun Li, Xiaohua Zhuo, Ruihua Wei

Mục đích:  Nghiên cứu mối tương quan giữa chiều dài trục ban đầu (AL) và độ giãn dài trục ở những người cận thị đang sử dụng kính Ortho-K kiểm soát cận thị  (Ortho-k).

Phương pháp:  Nghiên cứu thực hiện theo phương pháp hồi cứu. Trong quá trình theo dõi 1 năm, 1176 trẻ trong nhóm theo dõi 1 năm (nhóm đầu tiên), trong đó trẻ đeo kính OrthoK (n = 588) và kính gọng thông thường (n = 588). Tất cả đối tượng nghiên cứu đều được kiểm tra mắt toàn diện bao gồm đo chiều dài trục nhãn cầu (AL) ban đầu.

Những người tham gia nhóm ortho-k (8-11 tuổi) đã hoàn thành quá trình theo dõi 3 năm (n = 150) được chia thành ba nhóm nhỏ được phân tầng theo AL ban đầu của họ: nhóm nhỏ 1 (AL < 24,5 mm), nhóm nhỏ 2 (24,5 ≤ AL < 26 mm) và nhóm nhỏ 3 (AL ≥ 26 mm). Độ dài nhãn cầu được đo khi bắt đầu nghiên cứu và trong quá trình khám hàng năm.

Kết quả:  Nhóm Ortho-k biểu hiện độ giãn trục 1 năm chậm hơn (giảm 39%) so với nhóm đeo kính. Mức độ gia tăng độ dài trục nhãn cầu 1 năm có tương quan nghịch với độ tuổi ban đầu ở cả hai nhóm và độ dài trục nhãn cầu khởi điểm ở nhóm sử dụng kính Ortho-k nhưng không có ở nhóm đeo kính. 

Tuy nhiên, mối quan hệ này chỉ tồn tại ở những người tham gia Ortho-k từ 8-11 tuổi. Trong 3 nhóm nhỏ trẻ đeo Ortho-K được theo dõi trong 3 năm tiếp theo, nhóm 1 cho thấy sự giãn dài trục nhãn cầu hàng năm cao hơn đáng kể so với nhóm 2 và 3 trong năm thứ nhất và thứ hai, nhưng dường như ổn định trong năm thứ ba.

Kết luận:  Độ giãn trục có tương quan nghịch với độ dài trục nhãn cầu ban đầu trong nhóm Ortho-K. Trẻ em từ 8-11 tuổi có độ dài trục nhãn cầu ban đầu dài hơn (≥24,5 mm) biểu hiện độ giãn trục hàng năm chậm hơn trong 2 năm đầu điều trị Ortho-K. 

Điều này có thể cung cấp thông tin chi tiết về việc thiết lập lộ trình kiểm soát cận thị chuyên biệt để kiểm soát cận thị bằng Ortho-k ở trẻ em có các đặc điểm độ dài trục nhãn cầu ban đầu khác nhau.

Đặt lịch thăm khám ngay tại vivision kid để trẻ được tư vấn hành trình kiểm soát cận thị phù hợp. 

Lời khuyên

Ortho-K là phương pháp đã được chứng minh đem lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát cận thị cho trẻ. Kết quả của nghiên cứu này có thể giúp các chuyên gia Khúc xạ nhãn khoa và các bác sĩ nhãn khoa xác định được những trẻ nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc điều trị bằng Ortho K và đạt được kết quả tối ưu trong việc kiểm soát sự tiến triển của cận thị

logo vivisionkid
Optometrist Lê Sang Sang
Khúc xạ Nhãn khoa Lê Sang Sang
Chuyên gia Kiểm soát cận thị
Xem thêm

Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển Trẻ em

Uy tín: Khúc xạ Nhãn khoa Lê Sang Sang được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, optometrist đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

Kiểm soát cận thị

Ortho-K

trục nhãn cầu