Độ dài trục nhãn cầu và sự phát triển của mắt trẻ
Độ dài trục nhãn cầu là chỉ số quan trọng phản ánh cấu trúc mắt, ảnh hưởng đến các bệnh lý và tiến triển cận thị. Việc đánh giá, theo dõi sự gia tăng của chỉ số này giúp chẩn đoán, tiên lượng và xây dựng lộ trình điều trị kiểm soát cận thị hiệu quả.
Độ dài trục nhãn cầu và ảnh hưởng đến sức khỏe mắt
Độ dài trục nhãn cầu là yếu tố quan trọng quyết định khả năng hội tụ ánh sáng của mắt. Việc theo dõi và kiểm soát chỉ số này giúp bảo vệ sức khỏe mắt, hạn chế tiến triển cận thị và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Độ dài trục nhãn cầu là gì?
Độ dài trục nhãn cầu được tính bằng khoảng cách từ mặt trước giác mạc tới lớp biểu mô sắc tố võng mạc và là yếu tố quan trọng nhất gây ra tật khúc xạ và giảm thị lực liên quan tới cận thị.
Độ dài trục nhãn cầu hiện nay được đo bằng hai phương pháp chính đó là
- Siêu âm A: Hiệu quả trong các trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ phối hợp kém; dù vậy kết quả của phương pháp này phụ thuộc vào tay nghề người đo.
- Sử dụng máy sinh trắc học quang học: Kết quả có tính chính xác cao hơn, an toàn hơn do không tiếp xúc trực tiếp vào mắt và kết quả cũng không phụ thuộc vào tay nghề người đo.

Mối liên hệ giữa độ dài trục nhãn cầu và sự phát triển thị giác
Độ dài trục nhãn cầu và nguy cơ bệnh lý tại mắt
Nghiên cứu cho thấy những người mắc tật khúc xạ cận thị trước 10 tuổi có nguy cơ cận thị nặng hơn khi trưởng thành. Do đó, việc làm chậm quá trình khởi phát cận thị mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe thị giác lâu dài.
Độ dài trục nhãn cầu càng tăng thì nguy cơ suy giảm thị lực nghiêm trọng càng tăng. Với các trường hợp độ dài trục nhãn cầu tăng trên 30mm có nguy cơ suy giảm thị lực cao hơn 90% so với những người có chiều dài trục bình thường.
Độ dài trục nhãn cầu bao nhiêu là bình thường?
Mức độ bình thường của độ dài trục nhãn cầu thay đổi tùy theo lứa tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ.
- Chiều dài trục trung bình ở trẻ em gái từ 11-12 tuổi là khoảng 23 mm và trẻ em trai cùng mốc tuổi là 23,5 mm.
- Chiều dài trục nhãn cầu trung bình ở người trưởng thành là 23,6mm
- Nam giới có xu hướng có mắt dài hơn khoảng 0,5mm so với nữ giới, mặc dù tật khúc xạ và tốc độ tăng trưởng độ dài trục nhãn cầu tương tự.
Việc theo dõi đánh giá kịp thời độ dài trục nhãn cầu theo từng giai đoạn ở lần thăm khám đầu tiên và định kì sau đó 6 tháng- 1 năm/lần là vô cùng quan trọng. Điều này giúp phát hiện sớm các vấn đề như tiền cận thị và cận thị tiến triển. Từ đó điều chỉnh kịp thời tránh các biến chứng của cận thị cao và cận thị tiến triển.
Sự phát triển bình thường của mắt
Trẻ sơ sinh sinh ra có độ dài trục nhãn cầu trung bình khoảng 16,8mm; trong quá trình chính thị hóa ở trẻ, độ dài trục nhãn cầu sẽ tăng dần. Trong đó trẻ em từ 6 đến 14 tuổi bình thường có tốc độ tăng trưởng trục trung bình là 0,1 mm mỗi năm và với độ tuổi càng cao thì độ dài trục nhãn cầu càng ổn định.
Độ dài trục nhãn cầu và cận thị
Chiều dài trục nhãn cầu ở trẻ cận thị được chỉ ra có tốc độ gia tăng nhanh hơn so với trẻ bình thường. Sự tiến triển của độ dài trục nhãn cầu được quan sát thấy trong các nghiên cứu trẻ cận thị không sử dụng biện pháp kiểm soát tiến triển cận thị.
Nghiên cứu cho thấy sự phát triển khoảng 0,3 mm mỗi năm ở trẻ dưới 10 tuổi và 0,2 mm mỗi năm ở trẻ lớn hơn 10 tuổi.
Độ dài trục nhãn cầu và khởi phát cận thị
Độ dài và tốc độ tăng của trục nhãn cầu là một trong những yếu tố có thể đánh giá nguy cơ khởi phát cận thị của trẻ . Theo nghiên cứu CLEERE, sự tăng trưởng trục nhanh nhất xảy ra trong năm trước khi khởi phát cận thị:
- Tăng 0,33mm trong năm trước khi khởi phát và trong những năm sau đó chậm lại còn 0,20-0,27mm mỗi năm.
- Những trẻ cận thị tiến triển nhanh có tăng độ dài trục nhãn cầu lớn hơn 0,22mm/ năm (tốc độ tăng không liên quan đến tiền sử gia tăng trục nhãn cầu hoặc tiến triển tật khúc xạ của năm trước).
Một nghiên cứu khác ở nhóm đối tượng Singapore về các yếu tố nguy cơ gây cận thị (SCORM) của tác giả Rozema và cộng sự phát hiện ra rằng trên trẻ từ 8-11 tuổi, cận thị có xu hướng khởi phát khi độ dài trục nhãn cầu là 24,08 ± 0,67mm ở bé trai và 23,69 ± 0,69mm ở bé gái, cần lưu ý mốc độ dài trục nhãn cầu này để tiên lượng khởi phát cận thị và có lộ trình kiểm soát cận thị phù hợp.
Từ các nghiên cứu trên cho thấy, việc đo độ dài trục nhãn cầu ở lần đầu thăm khám và ở các lần tái khám định kỳ là vô cùng quan trọng để xác định nguy cơ tiến triển cận thị và đánh giá mức độ tiến triển cận thị.

Sự khác biệt giữa độ dài nhãn cầu mắt thường và mắt cận thị
Độ dài trục nhãn cầu và kiểm soát tiến triển cận thị
Mục tiêu của kiểm soát tiến triển cận thị là làm chậm lại và ổn định mức độ gia tăng của độ dài trục nhãn cầu:
Trẻ em cận thị dưới 10 tuổi: Những trẻ này có nguy cơ cận thị cao hơn do khởi phát sớm và tiến triển nhanh hơn. Nếu tiến triển cận thị không được kiểm soát thì độ dài trục nhãn cầu thường tăng hơn 0,3 mm mỗi năm, vậy các phương pháp kiểm soát cận thị làm chậm tiến triển hàng năm xuống dưới mức này được coi là có hiệu quả.
Trẻ em ở cùng độ tuổi đó tiến triển 0,1-0,2 mm mỗi năm, nên nếu phương pháp kiểm soát tiến triển cận thị có thể làm chậm tiến triển xuống mức này là kết quả lý tưởng.
Đối với những người cận thị đang tiến triển ở độ tuổi thanh thiếu niên và thiếu niên: các phương pháp kiểm soát cận thị làm chậm mức độ gia tăng độ dài trục nhãn cầu xuống mức thấp hơn 0,2 mm mỗi năm được coi là có hiệu quả tốt. Nếu có thể làm chậm xuống mức thấp hơn 0,1 mm mỗi năm là lý tưởng.
Trong các phương pháp kiểm soát tiến triển cận thị hiện nay, đặc biệt là khi sử dụng phương pháp Ortho-K, độ dài trục nhãn cầu là một yếu tố hàng đầu có thể đánh giá đo lường hiệu quả của việc sử dụng phương pháp này.
Kết luận
- Trước 10 tuổi, mắt bình thường tăng trưởng khoảng 0,1-0,2mm mỗi năm, trong khi mắt cận thị có thể phát triển hơn 0,3mm mỗi năm. Nếu trục nhãn cầu kéo dài quá 0,2mm mỗi năm, đó có thể là dấu hiệu sớm của tiền cận thị.
- Khi bước vào tuổi tiền thiếu niên và thiếu niên, tốc độ phát triển này dần chậm lại, phản ánh sự ổn định hơn trong quá trình phát triển của mắt.
- Bình thường độ dài trục nhãn cầu chỉ tăng 0,1 mm mỗi năm và ổn định ở tuổi tiền thiếu niên.
- Mắt cận thị không chỉ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn mà còn kéo dài quá trình phát triển trong thời gian dài hơn, dẫn đến sự thay đổi đáng kể về cấu trúc nhãn cầu.
- Độ dài trục nhãn cầu là yếu tố quan trọng theo dõi tiến triển cận thị và là công cụ đo lường hiệu quả của các phương pháp kiểm soát cận thị
Việc theo dõi và kiểm soát độ dài trục nhãn cầu đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mắt trẻ, giúp ngăn ngừa và hạn chế tiến triển cận thị. Can thiệp sớm và áp dụng các biện pháp phù hợp, cha mẹ có thể bảo vệ thị lực cho con, đảm bảo đôi mắt khỏe mạnh trong suốt quá trình trưởng thành.
Đặt lịch ngay tại vivision kid để trẻ được thăm khám đánh giá toàn diện, chi tiết về tật khúc xạ và các bệnh lý tại mắt, đồng thời có lộ trình trị liệu khoa học, tiên tiến nhất.
Lời khuyên
Cần theo dõi độ dài trục nhãn cầu của trẻ định kì để đánh giá chính xác, không bỏ sót các nguy cơ tiền cận thị, tiến triển cận thị và hiệu quả của phương pháp kiểm soát cận thị.


Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển Trẻ em
Uy tín: Khúc xạ Nhãn khoa Lê Sang Sang được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, optometrist đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Gắn thẻ: